Thuốc Và Cách Trị Mụn Nhẹ – Trung Bình Tại Nhà

Bài viết này cho bạn biết: cách sử dụng các thuốc OTC (các thuốc có thể tự mua không cần đơn của BS) để điều trị mụn trứng cá thông thường từ nhẹ đến trung bình.

Mụn không phải là vấn đề mới và có những sản phẩm thực sự hiệu quả, vừa tiền để bạn có thể tự điều trị mụn. Amie Skin sẽ giới thiệu và hướng dẫn bạn sử dụng các thuốc đấy trong bài này.

Nhưng trước tiên bạn cần đánh giá đúng tình trạng mụn của mình để chọn được loại sản phẩm phù hợp cũng như biết mụn thế nào thì không nên tự điều trị.

Mụn nào bạn có thể tự điều trị

Bạn chỉ nên tự điều trị khi mụn của bạn là:

  • Mụn trứng cá thông thường (là mụn có nguyên nhân từ sự bít tắc, tăng sinh bã nhờn và tăng sinh vi khuẩn P.acnes (C.acnes) có liên quan đến yếu tố hormone và thường bùng phát ở tuổi dậy thì. 
  • Mụn chỉ ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Mụn nặng không nên tự điều trị vì các thuốc OTC (không kê đơn) sẽ không “đủ đô”.
  • Da không bị yếu hay quá nhạy cảm: Các làn da đang bị đỏ rát, kích ứng, bong tróc,… do rượu thuốc, serum trị mụn, kem trộn corticoid,… cũng không nên tự điều trị mụn. Làn da bây giờ cần phục hồi khỏe lại mới có thể chịu được các tác động của thuốc. 

Nếu bạn không có chuyên môn sẽ rất khó tự đánh giá đúng được tình trạng mụn của mình, vì vậy tốt nhất vẫn là thăm khám BS da liễu hoặc tham vấn người có chuyên môn.

Các thuốc điều trị mụn phổ biến – hiệu quả 

Nếu mụn của bạn có thể tự điều trị được thì bạn hãy ưu tiên lựa chọn Adapalene 0.1% và Benzoyl peroxide (BPO) 2,5-5%. Đây là các thuốc phổ biến trên thị trường mà bạn có thể mua không cần đơn của BS.

Adapalene 0.1% giải quyết mụn qua 2 cơ chế:

  • Bình thường hóa sừng da, giảm hình thành nhân mụn
  • Kháng viêm

Adapalene không trực tiếp tiêu diệt vi khuẩn nên phù hợp để giải quyết mụn ẩn hoặc kết hợp với các sản phẩm có khả năng diệt khuẩn khác để điều trị mụn viêm.

Hoạt chất này có trong các sản phẩm như Differin/ Klenzit MS

Benzoyl peroxide (BPO) 2.5-5%: Đây là một hoạt chất kháng khuẩn bằng cách giải phóng Oxy nguyên tử – đặc biệt hiệu quả với loại vi khuẩn kị khí (sợ oxy) như P.acnes (C.acnes).

BPO có ưu điểm vượt trội là không gây đề kháng thuốc (lờn thuốc) khi sử dụng lâu dài. Vì vậy cũng được ưu tiên lựa chọn để điều trị các loại mụn viêm từ nhẹ đến trung bình. BPO cũng có thể kết hợp với các sản phẩm khác để tăng hiệu quả trị mụn.

Một số sản phẩm BPO phổ biến như Oxy 5%/ Benzac AC 5%, …

  • Nếu mụn nhẹ: Chỉ có vài sẩn mụn viêm nhẹ và không có mụn bọc, mụn mủ bạn có thể bắt đầu với 1 trong 2 loại thuốc trên
  • Nếu mụn nhẹ – trung bình: Có dưới 35 sẩn mụn viêm hoặc dưới 5 cái mụn bọc, mụn mủ. Bạn sẽ cần kết hợp cả hai hoạt chất trên. Trên thị trường có các sản phẩm kết hợp sẵn 2 hoạt chất sẽ tiện hơn trong sử dụng như Epiduo/ Azaduo.

Một số hoạt chất trị mụn khác

Những hoạt chất ít phổ biến hoặc ít hiệu quả hơn, chúng được sử dụng kết hợp để tăng hiệu quả điều trị hoặc thay thế khi bạn không thể sử dụng được các thuốc đầu tay ở trên:

  • AHA <15% / BHA < 10%
  • Azelaic Acid 10-20%
  • Sulfur (lưu huỳnh)
  • Tea Tree Oil (tinh dầu tràm trà) 5 -10%

Trong bài này, Amie Skin sẽ không nói chi tiết về các hoạt chất này. Vì 2 thuốc Adapalene và BPO thường đã phù hợp cho phần lớn các trường hợp. 

Bạn cũng không nên kết hợp nhiều hoạt chất để trị mụn khi chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc da. Đừng ngần ngại inbox cho Amie Skin nếu bạn vẫn muốn tìm hiểu thêm về các hoạt chất này nhé.

Dùng thuốc bao lâu, da thay đổi thế nào?

Thuốc giúp mụn của bạn nhanh khô cồi hơn, phản ứng viêm (sưng, nóng, đỏ, đau) giảm dần. Tuy nhiên thuốc không ngăn được mụn mới mọc lên nếu không kết hợp ăn uống – sinh hoạt và chăm sóc da khoa học.

Lưu ý quan trọng:

Da cần thời gian để thích ứng với thuốc. Trong những tuần đầu (thường 4-6 tuần) khi chưa quen thuốc da sẽ có cảm giác châm chích, nhạy cảm hơn, lên mụn nhiều hơn (đẩy mụn), … Điều này là bình thường chứng tỏ thuốc có tác dụng trên da. Các phản ứng này thường sẽ giảm dần khi giảm liều, tần suất, kiên trì sử dụng.

Bạn sẽ cần kiên trì dùng thuốc (trung bình 2-3 tháng) đến khi hết hoàn toàn mụn viêm sau đó dừng BPO (nếu có) và tiếp tục duy trì thoa Adapalene 0.1% (1-2 lần/tuần) thêm ít nhất 3 tháng để loại bỏ hoàn toàn các vi nhân mụn dưới da. Adapalene cho thấy an toàn khi sử dụng lâu dài nên bạn cứ yên tâm sử dụng.

Khi đã hết mụn cũng không “buông thả” bản thân, hãy duy trì các thói quen chăm sóc da tốt học được trong thời gian điều trị. NẾU KHÔNG CHẮC CHẮN MỤN SẼ QUAY LẠI.

Những lưu ý khi sử dụng

Các thuốc trị mụn thường được dùng 1 lần/ngày vào buổi tối (sau dưỡng ẩm 30 phút) sau rửa mặt hoặc serum (nếu có)

Thoa thật mỏng trên những vùng da bị mụn. Không phải chấm trên đầu mụn như nhiều người nghĩ, chấm mụn như vậy rất dễ để lại một lượng thuốc lớn trên vùng da nhỏ gây quá liều làm kích ứng, bỏng da.

Ngoài ra cũng cần tránh bôi thuốc vào các vùng da nhạy cảm như khoé mũi, môi, mắt.

Liều lượng và tần suất bôi tăng/giảm theo đáp ứng da. Thông thường liều = 1 “hạt đậu đen” hay ⅛ đốt ngón tay trỏ cho toàn mặt. Cần giảm xuống dùng cách ngày hoặc mỗi 2 ngày nếu da đỏ, rát nhiều khi dùng thuốc.

Các tác dụng phụ hay gặp là khô da, đỏ rát, bỏng da, nhạy cảm với ánh sáng gây sạm da,…. thường gặp khi da chưa quen thuốc và giảm dần khi giảm tần suất, liều lượng, kiên trì sử dụng. 

Sẽ có những trường hợp cần dừng, đổi thuốc. Như khi bị bùng mụn, bỏng da, kích ứng mạnh, nổi mụn nước li ti (có thể do quá liều, da không thích nghi được với thuốc,…). 

Vì vậy tốt nhất vẫn nên có người theo dõi, điều chỉnh thuốc cho bạn trong quá trình sử dụng. Đừng ngại Inbox Amie Skin nếu bạn cần một người đồng hành như vậy nhé!

Dược sĩ tư vấn của Amie Skin

Về Amie Skin

Tài liệu khoa học tham khảo

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shopping Cart
Chat với Amie Skin qua
Chat với Amie Skin
Scroll to Top